THÂN THỂ TRONG THƠ VI THÙY LINH(từ góc độ kí hiệu học)

 

Nguyễn Thị Minh Thương(*), 

Đỗ Thị Mỹ Duyên

 

  1. I. MỞ ĐẦU

“Thân thể” là một phạm trù xuyên suốt trong lịch sử triết học và mĩ học, với Nietzsche, thân thể chính là bản thể sinh mệnh, bản chất sự tồn tại của con người chính là tồn tại của thân thể. Cùng với việc coi trọng “thân thể” trong tương quan với “tinh thần”, các học giả trên thế giới mà tiêu biểu là nhà triết học Pháp M. Foucault đã phát hiện ra, thân thể không chỉ là sản phẩm của tự nhiên, mà còn là sản phẩm của văn hóa xã hội, nó trở thành nơi vận hành của quyền lực, tri thức, diễn ngôn, nơi thể hiện của lịch sử xã hội. Chính vì thế, thân thể trở thành một loại kí hiệu biểu đạt ý nghĩa, mỗi cá nhân, mỗi thời đại khác nhau lại có những cách diễn giải khác nhau về thân thể làm phong phú thêm ý nghĩa cho kí hiệu này. “Kí hiệu học với tư cách là sự tìm tòi về quy luật tư duy phổ biến, mục đích của nó là làm rõ phương thức con người biểu đạt và nhận thức ý nghĩa”[1]. Sáng tác văn học là hoạt động kiến tạo kí hiệu tiêu biểu của con người, tác phẩm văn học trở thành hệ thống kí hiệu thẩm mĩ nhiều tầng thể hiện ý nghĩa.

Trong các nhà thơ đương đại Việt Nam, thơ Vi Thùy Linh thể hiện khá đậm nét vấn đề thân thể. Thân thể trong thơ nữ sĩ này trở thành một loại kí hiệu đa nghĩa, tiềm ẩn nhiều khả năng diễn giải ý nghĩa khác nhau. Bài viết này tập trung nghiên cứu vấn đề thân thể trong thơ Vi Thùy Linh nhằm khám phá hệ thống kí hiệu độc đáo, bao trùm cũng như những ý nghĩa được mã hóa trong đó.

  1. NỘI DUNG

Trong thơ mình, Vi Thùy Linh tập trung kiến tạo kí hiệu thân thể của nhân vật trữ tình xưng “em”, thân thể của nhân vật người tình “anh” và cả thân thể của thế giới xung quanh, mỗi loại kí hiệu thân có một đặc điểm riêng. Điều này cho thấy, hệ thống kí hiệu thân thể trở thành dấu hiệu nhận biết tiêu biểu toàn bộ sáng tác của Vi Thùy Linh.

  1. Kí hiệu thân thể “em”

Trong thơ Vi Thùy Linh, thân thể “em” được được thể hiện cụ thể qua các phần lộ diện như khuôn mặt, mái tóc, đôi môi, đôi tay, hàm răng…, có khi là những bộ phận thường được giấu kín như ngực, mông, đùi, … Thậm chí có lúc “em” còn hiện lên trong trạng thái khỏa thân. Chính vì sử dụng các đặc điểm nhận diện đó, từ Khát đến Vili &Paris, ấn tượng bao trùm về thân thể nhân vật trữ tình em là vừa rạo rực yêu đương và tràn đầy sức sống, lại vừa đau đớn và mang ám ảnh tàn phai. Thân thể rạo rực yêu đương và tràn đầy sức sống thể hiện qua những đường nét cơ thể, những bộ phận cụ thể như “ngón tay”, “mái tóc”, “đôi môi”, “bộ ngực”, “cặp đùi”, “da thịt”…, và cả mùi cơ thể. Thân thể với những đường cong viên mãn như “Eo nàng, đồng hồ cát tuôn chậm/ Hôm nay ngày – đêm 32 giờ/ Thân thể nàng là vĩ cầm đang đợi” (Vũ trụ trong tay). Ngay cả mái tóc cũng tràn đầy sức sống trong cuộc yêu mãnh liệt: “Như bút lông miết lên tấm toan căng/ Chìm trong vũ điệu của tóc/ Đổ nhịp đặc sánh lên tĩnh vật/ Hai thân thể hoạ mình” (Anh). Và đôi môi vừa dịu dàng vừa nóng bỏng khát khao: “Chuông bắt sáng từng hồi diễm lệ/ Hé đôi môi nết na chờ Anh đón nhận/ Chỉ một Teressa!” (Teressa), “Môi lửa làm chảy tuyết băng” (Tình tự Paris). Thân thể nhân vật trữ tình “em” cũng được kiến tạo thông qua hình ảnh bàn tay, với dáng nét “bàn tay khỏa thân”, “ngón tay đồng trinh”, “ngón em dài trắng muốt”, những ngón tay “mềm trườn trên thân thể”. Ngón tay được chú ý khắc họa ở đặc điểm mềm mại, nữ tính, nhạy cảm. Câu thơ “Hàng triệu tú cầu cùng đêm trườn qua ngón mềm khi chúng mình gắn nhau bằng hơi thở” gợi ra những rung động khi hai người yêu nhau được gần gũi về thân xác, những cảm xúc của thân thể lan toả trên mười đầu ngón tay. “Hàng triệu tú cầu đêm” chính là những cảm giác của cơ thể được hình tượng hoá. Khi hai cơ thể ở bên nhau những ngón tay tham gia vào cuộc yêu, khiến nó trở nên đầy cảm giác, khiến “Anh” và “em” như tan ra và ngập tràn trong hạnh phúc: “Tất cả tan vào tha thiết nguồn yêu”.

Kí hiệu thân thể của nhân vật trữ tình nữ “em” còn được tạo tác với bầu vú tròn căng: “Ngực đầy êm và ấm/ Nụ hồng non đỏ thắm/ Ngực tròn căng nhựa sống vươn lên mịt mùng” (Nơi ánh sáng). Trong tác phẩm điêu khắc khỏa thân, “ngực”, “vú” thường là bộ phận được các nhà nghệ thuật chú ý tạo tác nhằm thể hiện vẻ đẹp đầy sức sống của người phụ nữ. Vi Thùy Linh cũng thường chú ý kiến tạo hình ảnh này trong thơ mình, thể hiện nó trong trạng thái khỏa thân, tự nhiên, không che giấu: “Thiếu nữ ngực trần tựa hờ khung cửa”. (Yêu bên hồ Thiền Quang). Bầu vú trong thơ Vi Thùy Linh không giống với bầu vú trong thơ Hồ Xuân Hương: “Hai gò bồng đảo sương còn ngậm” (Thiếu nữ ngủ ngày), cũng khác với bầu vú như cội nguồn đem đến sức mạnh và nguồn sống, nguồn dinh dưỡng trong con mắt Bích Khê: “Hai vú nàng, hai vú nàng! Chao ôi!/ Cho tôi nút một dòng sâm ngọt lộng” (Tranh lõa thể), cũng không giống với hình ảnh bầu vú trong thơ Nguyễn Quang Thiều: “Bầu vú em gió núi thổi mát rượi”, “hai bầu vú lấp lánh”, “những bầu vú tươi non”, bầu vú “mệt mỏi nằm ngoẹo đầu và trở nên ngễnh ngãng trước tiếng gọi đàn ông”. Vi Thùy Linh thường không miêu tả cụ thể vẻ đẹp của bầu vú trong con mắt chiêm ngưỡng, ngắm nhìn từ bên ngoài, mà thường miêu tả bầu vú gắn với những cảm giác nhục thể, cảm giác tự bên trong của thân thể người nữ: “Lại một giao thừa nữa đi qua, bằng tốc độ bằng số năm sống của mình, bằng số tuổi khi chị gặp anh/ Cảm thấy tiếng gọi lan trên hai bầu vú” (Thiếu phụ và con đường). Tiếng gọi của “bầu vú” chính là tiếng gọi của tình yêu, của sức trẻ đang rần rật nóng nơi lồng ngực của “em”. Cho nên, cơ thể lại không được nhận diện trực tiếp bằng mắt, người đọc phải thông qua cảm nhận của nhân vật mới có thể hình dung được. Hơn nữa, ngực, vú còn được Vi Thuỳ Linh nhắc đến như một cơ thể sống, có khả năng cảm nhận thế giới và thiên chức làm mẹ cao cả: “Con ngủ yên trên ngực mẹ, lớn lên từ ngực mẹ” (Linh).

Vi Thùy Linh còn tạo tác thân thể của nhân vật trữ tình “em” thông qua mùi hương – mùi cơ thể, mùi con gái. Nó như phần kết tinh nhất của thân thể, là đặc trưng để “Anh” nhận ra “em”. Nó vừa hiện hữu cụ thể tác động vào khứu giác, vừa rất ảo diệu lưu lại trong kí ức khi xa nhau, và trong bất kì tình huống nào, nó chính là sự quyến rũ của thân thể “em” đối với “Anh”: “Phòng ít cắm hoa tươi/ Vì hương Vi lưu lại/ Em ở đó thường hằng, dù không hiện diện” (Môi mùa đông). Mùi vị cơ thể vốn thường được thể hiện trong văn học, Hàn Mặc Tử cảm nhận mùi xác của cô gái đồng trinh đầy chất siêu thực, tượng trưng: “Xác cô thơm quá thơm hơn ngọc/ Cả một mùa xuân đã hiện hình” (Cô gái đồng trinh), Tế Hanh cảm nhận mùi vị của người dân chài lưới đượm vẻ lãng mạn phong trần: “Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng/ Cả thân hình nồng thở vị xa xăm” (Quê hương), Nguyễn Đình Thi lại mượn mùi vị của thiên nhiên để thể hiện hương thơm dấu chân thiếu nữ: “Cỏ mềm thơm mãi dấu chân em” (Chia tay trong đêm Hà Nội). Mỗi tác giả có một cách thể hiện mùi vị thân thể của riêng mình, nhưng ít có nhà thơ nào lại gọi mùi vị của thân thể là “mùi thịt da” như Vi Thùy Linh. “Mùi thịt da” là cách gọi rất chung nhưng cũng rất riêng. Nó không hề được thi vị hóa, tượng trưng hóa như “thơm hơn ngọc”, “vị xa xăm”, mà được gọi ra một cách cụ thể và hiện hữu. Nó vừa để chỉ mùi vị của thân thể nói chung, vừa để chỉ mùi vị của thân xác nguyên sơ, mùi vị của nhục cảm.

Vi Thùy Linh thường tạo tác thân thể nhân vật trữ tình nữ trong trạng thái khỏa thân, trạng thái thể hiện vẻ đẹp tự nhiên của người phụ nữ. Thơ ca Việt Nam đã có nhiều câu thơ và thi phẩm tuyệt tác về người thiếu nữ lõa thể. Nguyễn Du miêu tả nàng Kiều tắm với vẻ đẹp gợi nhiều hơn tả, ước lệ nhiều hơn tả thực; Hồ Xuân Hương cũng đã dựng nên bức chân dung thiếu nữ ngủ ngày đầy gợi cảm; Bích Khê đã miêu tả bức “Tranh lõa thể” mà trong đó người thiếu nữ hiện lên đẹp tựa nữ thần…Nhưng nhân vật trữ tình nữ “khỏa thân” trong thơ Vi Thùy Linh hoàn toàn khác. Không quan tâm đến ước lệ hay tả thực, Vi Thùy Linh quan tâm đến cảm giác của thân thể nhiều hơn là coi thân thể như một đối tượng để chiêm ngưỡng, hay nói cách khác, đó là một thân thể đầy cảm giác chủ thể: “Khoả thân trong chăn thèm chồng”(Chân dung), “Da nóng rực, môi ướt/ Đầm đìa” (Đôi mắt Anh). Quan niệm tạo tác thân thể của Vi Thùy Linh rất gần với quan niệm của Hèlène Cious trong Tiếng cười nàng Medusa, đã từng thúc giục người phụ nữ cầm bút: “Hãy kiểm soát thân thể mình cùng lúc với việc kiểm soát hơi thở và lời nói. Hãy viết về chính bản thân bạn. Thể xác cũng cần được lắng nghe”, “như thế, thân thể đã nói những điều mà ý thức, tư tưởng không thể nói, và những tư tưởng từ vô thức, sẽ được viết ra bởi chính thân thể”.

Tạo tác thân thể nhân vật trữ tình nữ “em”, Vi Thùy Linh cũng chú ý đến khía cạnh đau đớn, tàn phai. Đây dường như là một cực tất yếu tồn tại bên cạnh vẻ thanh xuân tràn đầy sức sống. Bởi thân thể trong thơ Vi Thùy Linh là thân thể đầy cảm giác chủ thể, vì thế, khát khao yêu đương sẽ đi liền với đau đớn khi không được đáp lại, ý thức được vẻ thanh xuân thì sẽ nhạy cảm với sự tàn phai. Khuôn mặt được tạo tác như một bộ phận cơ thể bộc lộ rõ nhất những nỗi niềm của con người: “Từ kẽ tay ứa những lạch hân hoan/ Khi em giấu đôi tay dệt tầm gai trên khuôn mặt” (Cất giấu). Và hình ảnh “tóc rụng” cũng trở đi trở lại trong thơ Vi Thùy Linh như biểu tượng của sự héo úa tàn phai: “Em không nhớ đã thả bao nhiêu nỗi buồn buộc bằng tóc rụng/ Tóc mỗi năm một mỏng” (Từ phía ngày nắng tắt). Mái tóc trong thơ Vi Thùy Linh không phải là mái tóc dài mượt mà như những tuyệt sắc giai nhân trong thơ ca cổ điển; cũng không phải mái tóc mơ màng trong thơ Lưu Trọng Lư; cũng không phải mái tóc dày mượt của chị Sứ đến nỗi thằng Xăm dùng dao chặt cũng không thể đứt, mà nó là thân thể tự cảm nhận về thân thể: “Nước ngầm chưa ứa, tôi thấy nó thành đầm nước để tôi soi tôi, mái tóc đang bạc vội vã/ Màu trắng không trầm tĩnh” (Ngôi nhà). Khi tạo tác thân thể, Vi Thùy Linh cũng rất chú ý đến hình ảnh đôi bàn tay. Bên cạnh đôi bàn tay mềm mại, tinh tế, bàn tay trong thơ Vi Thùy Linh còn hiện lên với những vết chai: “Bàn tay đỏ lên những vết chai khi em khóc…/ Có ai thấy được vết – chai – của – nỗi – đau?” (Còn lại). Đó không phải là vết chai do công việc lao động nhọc nhằn để lại, mà là vết chai của tâm hồn. Nỗi đau được tụ lại trong vết chai, không thể tan ra, không thể hóa giải, không thể biến mất. Nỗi đau trở thành di chứng trên đôi bàn tay không thể xóa nhòa. Đó là nỗi đau tâm hồn được hình tượng hóa qua thể xác. Và đường chỉ trong lòng bàn tay như điềm báo của số phận: “Đường chỉ tay chồng chéo/ Số phận – một trận đồ” (Anh còn cho em). Nếu trong thơ Xuân Quỳnh, đôi bàn tay gắn với ám ảnh về những năm tháng cuộc sống cơ cực, lam lũ, nhọc nhằn thì đôi tay trong thơ Vi Thùy Linh lại gắn với những cảm giác nhục thể của một thiếu nữ tràn đầy khao khát yêu thương và đau khổ. “Ta lo âu một ngày/ Bàn tay nhăn nheo tóc bạc ngã gục” (Lặng lẽ). Không chỉ là lẻ loi, người con gái cá tính như “em” cũng có lúc chịu ngừng yêu để sợ tuổi già. Bởi với “em” tuổi trẻ mới là tuổi của say mê, tuổi của sức lực dâng hiến, tuổi trẻ qua đi với “em” cũng giống như việc đoàn tàu không còn đường ray để chạy, rệu rã và chậm chạp. Càng yêu, càng nhiệt huyết với thanh xuân bao nhiêu, “bàn tay nhăn nheo”, “mái tóc bạc” càng làm “em” sợ bấy nhiêu.

Như vậy, thân thể của chủ thể trữ tình nữ trong thơ Vi Thùy Linh hiện lên chủ yếu qua hai dáng vẻ, một mặt, nó tràn đầy sức sống và rạo rực yêu đương, mặt khác, nó lại đầy đau đớn, phai tàn. Đó chính là hai mặt vừa đối lập lại vừa thống nhất trong một chỉnh thể. Khi miêu tả thân thể nữ, Vi Thùy Linh đặc biệt chú trọng những cảm giác nhục thể, những cảm giác từ bên trong của chính cơ thể người nữ.

Không phải ngẫu nhiên mà chủ nghĩa nữ quyền kêu gọi nhà văn nữ viết về thân thể, bằng thân thể. Bởi vì, theo họ, thân thể là nơi thể hiện rõ nhất căn tính phụ nữ, là nơi người phụ nữ thể hiện rõ nhất bản thân mình. Thân thể trong thơ Vi Thùy Linh phần lớn hiện lên với dáng vẻ của đôi môi cháy bỏng, đường cong đầy sức sống, ngón tay mềm, khỏa thân… Tạo tác thân thể như vậy là cách Vi Thùy Linh thể hiện khao khát bản năng của tuổi trẻ. Cách miêu tả thân thể vừa gợi cảm vừa mang cảm giác chủ thể đã bộc lộ không hề che đậy khao khát bản năng: “Khoả thân trong chăn/ Thèm chồng/ Thèm có chồng ở bên/ Chỉ cần Anh gối lên đùi/ Mình ôm lấy Anh ôm mình” (Chân Dung). Hình ảnh thân thể trong trạng thái lõa thể cũng là cách để nhà thơ thể hiện mong muốn được thoát khỏi những gò bó của xã hội (biểu hiện qua quần áo) để trở về với con người tự nhiên: khoả thân để cảm nhận được rõ hơn những khao khát của cơ thể. Nhiều người cho rằng những câu thơ tạo tác thân thể lõa thể đầy nhục cảm là quá tạo bạo đối với một nữ sĩ trẻ. Nhưng khi đánh giá như vậy, là họ đang đánh giá thơ ca từ góc độ đạo đức xã hội, trong khi giống như các họa sĩ vẽ tranh khỏa thân, Vi Thùy Linh tạo tác thân thể trong thơ cũng là cách nhà thơ thể hiện quan niệm thẩm mĩ riêng của mình. Thân thể trước hết là sản phẩm của tự nhiên, và những khao khát của nó cũng là khao khát rất tự nhiên. Hiểu như vậy, Vi Thùy Linh tất yếu sẽ không ngần ngại gì khi viết “thèm chồng”, “Anh để dành cho em chiếc lưỡi/ Da thịt dậy tình làm rơi xiêm áo”(Tình tự ca).

Vi Thùy Linh tạo tác thân thể trong thơ không phải để tạo ra những bức tranh “tĩnh” kiểu như tranh tố nữ, thiếu nữ ngủ ngày…, mà tạo ra thân thể “sống” với đầy cảm giác và động tác tìm kiếm và đón nhận. Đó chính là cách để nhà thơ thể hiện niềm khao khát của người trẻ tuổi. Không gì mạnh mẽ hơn khi chính thân thể – tự nhiên – trực tiếp lên tiếng. Chính vì tạo tác một thân thể như thế, cho nên thơ Vi Thùy Linh đầy rạo rực, đam mê: “Ôm giữ nhau, cho mọi bao la tan chảy dưới đời mình/ …/ Hãy giành lấy em/ Hãy hôn em thật nhiều thật nhiều/ Em sợ mất Anh/ Em muốn có Anh thật gần thật gần ” (Tình tự ca). Vi Thùy Linh đã có ý thức thể hiện vấn đề nhục thể, khao khát bản năng thông qua những cảm giác của thân thể. Không thể trốn tránh, không thể giấu diếm nữa, nơi con đường đi về phía “Anh” ấy “tiếng gọi cứ sôi lên không dứt”. “Người đàn bà” lao theo khát vọng bản năng một cách “hổn hển”, từ hổn hển không chỉ gợi sự vội vã mà còn diễn tả trạng thái đầy khao khát của nhục thể. Tất nhiên, thơ Vi Thùy Linh không hề là tiếng thơ ca ngợi cảm giác thân xác nhục dục thuần túy, mà luôn hòa quyện khao khát đó trong tình yêu. Thân thể trong thơ Vi Thùy Linh không phải chỉ là thân thể khao khát bản năng, mà còn là thân thể khao khát yêu – khao khát tinh thần. “Ánh sáng chảy vào bóng tối môi em khát Anh/ … Em lánh qua những cánh tay cám dỗ em vào cánh đồng tình yêu người khác” (Tảng băng trôi)

Là một nhà thơ nữ, thân thể được Vi Thùy Linh chú trọng tạo tác trong thi phẩm của mình phần lớn là thân thể phụ nữ. Chính vì thế, thân thể ấy bên cạnh khao khát bản năng, khao khát được yêu, thì cuối cùng, nó vẫn trở về với khao khát thể hiện thiên tính nữ nhất, đó là khao khát làm mẹ. Khao khát đó vừa mãnh liệt, vừa khẩn thiết: Con ơi… con ơi!/ Không biết bao lần, mẹ đặt tay lên bụng, gọi con/ Mẹ khao khát mang con, mặt trời đang phôi thai trong mẹ/ Mẹ muốn có thật nhiều mặt trời / Con ơi! Con ơi!/ Con đang ở đâu?/ Hãy theo tình yêu của cha, đậu vào lòng mẹ” (Những mặt trời đang phôi thai). “Đặt tay lên bụng” là hành động của thân thể để cảm nhận hồi ứng của một thân thể khác đang phôi thai, đầy thiêng liêng và yêu thương. Thèm khát, chờ đợi những đứa con ra đời từ tình yêu, từ những cuộc yêu : “Duỗi chân dài em nối những ranh giới, những núi đồi sông biển, nhịp nhịp qua cầu đùi muốt/ Vào lúc Anh lên em lên Anh/ Thụ tạo giấc mơ ấp ủ/ Em đạt khát khao làm mẹ” (Nơi ánh sáng). Thông qua tạo tác thân thể thể hiện khao khát làm mẹ của người phụ nữ khiến cho thơ Vi Thùy Linh viết về những khao khát bản năng mà không hề gợi cảm giác thô tục. Motip nhân vật trữ tình nữ đặt tay lên bụng mình và tin tưởng sẽ mang một đứa bé ở trong đó thường xuyên xuất hiện khiến cho cách miêu tả thân thể nóng bỏng nhất, hiện đại nhất lại bắt nối với quan niệm rất truyền thống. Khao khát nhục cảm, khao khát yêu đương, cuối cùng vẫn quay trở về với khao khát căn tính nhất của người phụ nữ: khao khát làm mẹ. Bên cạnh hướng đến tình yêu tinh thần, thì việc hướng tới khao khát làm mẹ khiến cho tạo tác thân thể trong thơ Vi Thùy Linh mang vẻ đẹp tự nhiên mà mọi người luôn hướng tới.

Tạo tác thân thể trong thơ còn là cách Vi Thùy Linh bộc lộ quan niệm của mình về hành động sáng tạo, về thơ ca. Nhân vật trữ tình “em” coi thơ như chính thân thể mình, hay nói cách khác, thơ trong quan niệm của Vi Thùy Linh là thơ có thân thể, mà đã có thân thể thì cũng biết cảm nhận, biết buồn, biết đau, biết khao khát. Sở dĩ “Thơ là em – Em là thơ” (Những câu thơ mang vị mặn) là vì “em” đã sáng tạo những con chữ bằng cả tuổi thanh xuân của mình, bằng tinh thần và cả bằng thân thể: “Mắt trũng đêm quên ngủ/ Chỉ có chữ luôn ở trong em, chữ va nhau đánh lửa” (Một lá thư chưa gửi). Trong hành trình sáng tạo đầy gian nan, thơ đến bên đời mang theo cả nỗi buồn của “em”: “Em không thể nào lí giải!/ Thơ là nỗi buồn trường cửu/ Thơ em mặn… (Những câu thơ mang vị mặn). Cũng có khi em bế tắc vì không thể sáng tạo được gì và thân hình mảnh mai yếu ớt của em cứ thế phải gồng lên để những đợt chữ được lưu thông và dào dạt chảy về trong cơ thể: “Vì sao những cảm xúc không xối xả để em buông mình tận cùng (Có những lúc em không viết được gì và không khóc), “Rùng mình vì cô đơn/ Đấy không phải bí mật!/ Thấm những dòng chữ không thẳng/ Sức trẻ có hạn/ Em cứ gồng lên” (Em – Bí mật). Và bởi thơ chính là thân thể, cho nên, bên cạnh cảm giác mệt mỏi, gian khổ, thơ còn có cảm giác thăng hoa như một người tình. Cũng như “Anh”, dù đem đến cho “em” nhiều buồn khổ và lo âu, nhưng “Anh” cũng đem đến cho “em” những cảm giác hạnh phúc vô bờ.  Với “em”, thơ cũng không kém phần quan trọng bởi có lúc “em” thừa nhận: “Chỉ có chữ luôn ở trong em, chữ va nhau đánh lửa/ Anh đến sau tuyệt vọng” (Một lá thư chưa gửi). Có nghĩa là, thơ và “em” đã yêu nhau trước khi “Anh” đến. Người tình chung thân này chắc chắn đã làm em đê mê trong nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, trong đó có cả sự hạnh phúc.

2.Kí hiệu thân thể “Anh”

Trong thơ, nếu nhân vật trữ tình là “anh” thì nhân vật được nghe những lời thổ lộ là “em” và ngược lại. Cũng như tác phẩm của những tác giả nữ đương đại khác, thơ Vi Thùy Linh cũng xuất hiện hình tượng “anh”, nhưng điều khác biệt là, các tác giả theo chủ nghĩa nữ quyền khác thường xây dựng hình tượng người nam bất toàn, yếu ớt còn Vi Thùy Linh lại chú ý xây dựng thân thể nhân vật “anh” hoàn mĩ và lí tưởng, mang bóng dáng của những vị thần. “Anh” xuất hiện trong cái nhìn của “em” với sức mạnh, tình yêu và ánh sáng. Mọi phần cơ thể “Anh” đều toả ra thứ ánh sáng linh thiêng, ánh sáng của niềm tin và hi vọng. Đầu tiên là ánh sáng từ khuôn mặt: “Ánh sáng từ gương mặt Anh/ Đẩy vào góc quên quên những u uẩn quá khứ nặng nề/ Anh trao em ngày mới, cuộc sống khác từ mùa xuân chưa từng thấy” (Đường ong). Đôi mắt “Anh” cũng chất chứa bao điều bí ẩn, dù không hiểu về đôi mắt ấy nhưng với “em” đôi mắt ấy bao chứa cả bầu trời ánh sáng. Niềm vui hay nỗi buồn, hạnh phúc hay đau khổ của “em” đều phụ thuộc vào ánh mắt ấy. “Em” đã có khi cầu nguyện: “Hãy cho em nhìn tương lai bằng đôi mắt Anh” (Và chúng ta bắt đầu một cuộc sống khác). Không chỉ miêu tả đôi mắt chung chung, Vi Thùy Linh còn miêu tả thần thái của đôi mắt, đó là “ánh mắt”: “Bóng tối – con ngựa vằn lao đến – khi hàng cây sau mưa như những cái chổi khổng lồ sũng nước tiếp tục quét lên bụng trời/ Em làm sao có thể thanh thản khi mỗi hạt nước bung ra từ những nhát quét kia cũng mang ánh mắt Anh” (Linh). Ánh mắt “Anh” được ví với những hạt nước bung ra từ hàng cây sau mưa, đó là giọt nước tinh khiết nhất của bầu trời còn sót lại sau mỗi trận “quét”, sau những trận mưa hàng cây xanh trong hơn, lấp lánh hơn nhờ những giọt nước ấy. “Em” ấn tượng đến mức thần tượng ánh mắt của “Anh”, bởi với “em” ánh mắt “Anh” cũng trong veo như hạt nước mưa đọng trên lá, vừa tươi mát, vừa linh thiêng sau khi được gột sạch, tẩy rửa. Đặt “Anh” trong tương quan vũ trụ là một cách để “em” tôn sùng “Anh”. “Anh” như một đấng tối cao, còn “em” chỉ như một người sùng đạo. “Anh” vừa xa vừa gần, vừa là “tình yêu” vừa là “tôn giáo” của riêng “em”.

Không chỉ miêu tả đôi mắt, thân thể người tình “Anh” còn được đặc tả qua hình ảnh “đôi môi”. Đôi môi “Anh” hiện lên trong thơ Vi Thuỳ Linh đầy ấm áp nồng nàn và đầy quyến rũ: “Anh ơi! Hãy ghì chặt em/ Hôn đi! Môi Anh ủ lửa/ Tim em mãi ngậm bùa yêu/ Em hoang em mang cả đời/ Không Anh vũ trụ nổ tan/ Không Anh không Anh nghĩa gì!” (Ở lại). Nhưng thân thể người tình nam được Vi Thùy Linh chú tâm hơn cả là hình ảnh cánh tay, bởi lẽ đôi cánh tay người đàn ông từ xưa đến nay đã trở thành một biểu tượng đẹp, cánh tay của phái mạnh tượng trưng cho sức mạnh có thể chở che và bảo vệ phái yếu. Vì vậy, Vi Thuỳ Linh nhiều lần nhắc đến cánh tay “Anh” như một điểm tựa vững chắc và bình yên: “Không phải phật nghìn mắt nghìn tay/ Anh ủ em trong im lặng đầy hơi ấm bằng đôi tay xuất thần” (Mùa thụ mầm). Cùng với cánh tay, “bờ vai” “Anh”, “vùng ngực” rộng mở của Anh cũng làm ViLi say mê trong vùng trời viên mãn: “Giấy trắng bạch vân/ Bờ vai Anh là bờ sông miên ái/ Bờ của tin yêu cho Vi ngả dựa/ Ấp vùng ngực lãng du/ Em quên đi…” (Ái thành tháng 9). Đôi môi của “Anh” giống như thứ nước trong bình Cam Lộ mang tính cứu rỗi, xoa dịu và tái sinh. Đôi môi “Anh” có thể “làm khô nước mắt của em”, có thể “cài then tiếng khóc của em” và “cài then những ngón tay trầy xước của em”.

Một điều thú vị khi đọc thơ Vi Thùy Linh là bao nhiêu biểu tượng mang ánh sáng và lửa đều được đồng nhất với “Anh”. Rõ ràng trong cảm quan của Vi Thuỳ Linh, người có thể “đẩy bạt bóng tối”, có thể “ru em” và “sưởi tâm hồn em” chỉ là “Anh” – ánh sáng của “Anh”. “Anh” ở đây đã được đồng nhất với ánh sáng cho nên cái chớp mắt của anh cũng đồng nghĩa với sự lan toả nguồn sáng. Từ câu thơ “Anh chớp mắt đổ một trời ánh sáng” đến câu thơ “Đi hết ánh nhìn, mình hoá đá trong nhau”, hình ảnh “Anh” mang sức mạnh nguồn sáng dường như đã đóng đinh vào tâm hồn độc giả: “Shiva của em!/ Em quỳ xuống anh gọi Bình minh sáng thế” (Bài ca số phận). Như vậy, thân thể người tình “Anh” được nhận diện chủ yếu qua ánh mắt, đôi môi, và cánh tay. Tất cả những miêu tả về “Anh” đều mang sức mạnh “ánh sáng” và sức ấm nóng của “lửa”. “Anh” như biểu tượng của sự chở che và mang sức mạnh của một vị thần khiến em tôn sùng và thần tượng. Có thể nói, thân thể người tình “Anh” được nhìn theo điểm nhìn lí tưởng.

Có thể nói, trong thơ Vi Thùy Linh có hai người tình, một người tình được gọi là “Anh” và một người tình được gọi là “Thơ”. Người tình anh có cơ thể của mình, có khát khao của mình, thì ở người tình “Thơ”, những điều đó cũng không hề mờ nhạt. Người tình “Anh” hiện lên với dáng hình lí tưởng, thì người tình “Thơ” cũng hết sức cao cả: “Những bài thơ đầy mạch máu/ Nâng mối tình cao cả bay lên” (Một mình). Đường cong của “em” khoả vào “Anh”, khoả cả vào “sóng chữ”, thơ mơn man “em” bằng những vết gặm đầy tha thiết: “Những đường cong khoả vào sóng chữ” (Say nắng) “Say sưa sen đường thơ/ Thơ trắng gặm trăng ngực trắng” (Nghệ sĩ). Thơ mang đến cho em nguồn sáng tạo dạt dào, sau đau đớn đó là thành quả đầy ngọt ngào: “Ngón gõ vào thân thể như gõ kiến/…/ Ngón mở lãnh thổ bằng thơ” (Ngày thường). Những ngón tay có lúc trầy xước và rớm máu vì hành trình dệt chữ thì thành quả của chính những ngón tay mềm ấm ấy sẽ là những lãnh thổ do bàn tay em tự khai hoang, phá mở. Những giới hạn chật hẹp được chính tâm hồn và sức trẻ của em gửi vào đôi tay. Nỗi đau đớn gắn liền với niềm hạnh phúc thăng hoa.

Tạo tác “thân thể thơ” có thể coi là một trong những đặc sắc nhất của Vi Thùy Linh khi thể hiện quan niệm của mình về sáng tạo. Cho dù từ “nàng thơ” không hề xa lạ với chúng ta, nhưng cách gọi “nàng thơ” chỉ là một cách nói “nhân hóa” chứ không phải cách nói “thân thể hóa” như trong thơ Vi Thùy Linh. Kiến tạo một “thân thể thơ” khiến quan niệm về thân thể của Vi Thùy Linh gặp gỡ quan niệm của nhà triết học mĩ học người Pháp Gilles Deleuze:  “Thân thể là cội nguồn, động lực của hoạt động sáng tạo của nhân loại”[2].

3 Kí hiệu thân thể thế giới

Bên cạnh tạo tác thân thể nhân vật trữ tình “em” và thân thể người tình “anh”, Vi Thùy Linh còn chú ý tạo tác thân thể thế giới. Thế giới trong thơ Vi Thùy Linh là thế giới có thân thể. “Lá bàng như những chiếc lưỡi lùa mãi vào nhau”(Và chúng ta bắt đầu cuộc sống khác), mùa đông đến những chiếc lá bàng chuyển sang màu đỏ, trong nhãn quan của Vi Thuỳ Linh, những chiếc lá bàng vô tri lại trở nên có hồn, nhà thơ hình dung “lá bàng” tựa như “những chiếc lưỡi” đang lùa vào nhau trong cơn rét. “Cơn mưa” là hiện tượng tự nhiên của thời tiết nhưng trong cái nhìn thân thể hoá của Vi Thuỳ Linh, cơn mưa cũng được khoác lên mình một bộ cánh đầy tươi trẻ của mắt: “Những cơn mưa xanh trong mầm mắt/ Vuốt ve vũ điệu của em” (Trinh tiết). Trận mưa qua đi để lại những giọt mưa đọng trên cành lá, nhìn những hạt mưa nối đuôi nhau nhỏ giọt xuống không trung tựa như những giọt nước mắt đang đua nhau chảy xuống từ đôi “mắt ướt”: “Thương hàng bàng già thâm thẫm nhung đen/ Giữ lại xâu mưa tròn như mắt ướt” (Những ý nghĩ). Không chỉ tưởng tượng thiên nhiên như những đôi mắt, những giọt mưa rơi từ trên bầu trời xuống mặt đất được ví như những ngón tay buông thõng đầy mỏi mệt, hạt mưa như đong đếm sự mỏi mệt của nhân vật trữ tình: “Mưa thõng ngón cho em hao khuyết/ Hoa nở hoang mang trời xác tín/ Trăng bặm môi đi lạc vành môi dưới”. Sự liên tưởng không chỉ dừng ở những hạt mưa, mặt trăng khuyết trên bầu trời cũng được ví với đôi môi. Bầu trời đêm được ví như những bầu vú vĩnh cửu, còn những dãy núi nhìn từ xa như đang đua nhau ngửa mình lên bầu trời hít lấy luồng linh khí. Từ sự quan sát rất đỗi tài tình, Vi Thùy Linh đã gợi ra những liên tưởng độc đáo về bầu trời đêm: “Miệng núi miệng núi cắn vú đêm nhẫn nại” (Thư gửi cha). Sự liên tưởng đồng dạng này còn được Vi Thuỳ Linh gửi gắm qua hình ảnh: “Lá trầu tim biếc” (Như là đồng dao); “Ngọn đèn biển giăng, cắn môi vào sóng/ Những bông hoa khoả thân chờ chiêm ngưỡng” (Một mình). Với Vi Thuỳ Linh, bức tranh đẹp nhất luôn luôn là một bức chân dung loã thể, vậy nên cô luôn để em trong trạng thái “khoả thân”. Quan sát những bông hoa đang đua nhau nở Linh hình dung hoa cũng như “em” đang khoả thân chờ “Anh” đến. Đôi môi khuyết được ví với mặt trăng hiền lành bất động, nhưng “môi khát” thì phải là cánh diều đang nhảy nhót trong gió: “Thả diều ban trưa/ Diều là môi khát/ Trao mùa mưa thưa” (Lốc).

Thế giới hiện lên trong dáng vẻ của con người không phải là điều xa lạ trong văn học. Ngay trong ngôn ngữ đời thường cũng cho thấy con người luôn lấy thân thể mình để định vị thế giới, như như chân trời, lưng núi, mặt trời… Vi Thùy Linh đã tiếp nối nguồn mạch truyền thống, tạo dựng nên hình ảnh thiên nhiên trong những dáng hình, cử chỉ, cảm giác của con người. Có điều, trong thơ Vi Thùy Linh, thế giới không phải “như là có thân thể” mà là thế giới “có thân thể”. Đây chính là điều đặc biệt trong vấn đề tạo tác thân thể của Vi Thùy Linh, thể hiện cảm quan nghệ thuật riêng biệt độc đáo. Chính vì “thế giới có thân thể”, cho nên tạo vật hiện lên mang đậm tính nhục cảm, thấm đậm những khát khao tình ái.

III. KẾT LUẬN

Vi Thùy Linh đã kiến tạo được một hệ thống kí hiệu thân thể riêng của mình. Hệ thống đó gồm kí hiệu thân thể nhân vật trữ tình “em”, kí hiệu thân nhân vật trữ tình “anh”, kí hiệu thân thể thế giới và kí hiệu thân thể thơ ca, mỗi kí hiệu lớn đó lại có một loạt các dấu hiệu có thể “trực quan” nhằm biểu đạt ý nghĩa tương ứng. Trong thơ Vi Thùy Linh, thân thể nữ giới hay nam giới đều được tạo tác thông qua các bộ phận, động thái, trạng thái và các cảm giác của cơ thể. Thân thể người nữ được hiện lên vừa rạo rực yêu đương và đầy sức sống, vừa mang vẻ đau đớn, héo úa tàn phai. Còn thân thể người nam chủ yếu được nhìn qua điểm nhìn lí tưởng, mang vẻ đẹp đặc trưng của phái mạnh. “Anh” được nhận diện qua con mắt của chủ thể trữ tình như một đấng toàn năng hoàn mỹ. Và thế giới trong thơ Vi Thùy Linh cũng là thế giới có thân thể, tràn đầy cảm giác, cảm nhận của thân thể. Tất cả những điều này cho thấy, thân thể đã trở thành kí hiệu xuyên suốt trong thơ Vi Thùy Linh, tiềm ẩn nhiều khả năng tạo nghĩa.

 

Dương Nội, ngày 25 tháng 07 năm 2016

(Bài đã in trong sách Kí hiệu học, từ lí thuyết đến ứng dụng trong nghiên cứu và dạy học ngữ văn, kỉ yếu hội thảo khoa học quốc gia, Nxb Giáo dục, 2016, tr340-347)

Tài liệu tham khảo:

1.[Tiếng Trung] Hàn Quế Linh, Nghiên cứu thân thể sáng tạo học của Gilles Deleuze. Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Nam Kinh, 2011.

2[Tiếng Trung] Miranda Fricker, Jennifer Hornsby(biên soạn), Cẩm nang triết học chủ nghĩa nữ quyền, Tống Kiến Lệ dịch, Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh, 2010.

  1. [Tiếng Trung] Peter Brooks, Thân thể sống: Đối tượng dục vọng trong tự sự hiện đại, người dịch: Chu Sinh Kiên, Nhà xuất bản Tân Tinh, 2005
  2. [Tiếng Trung] Triệu Nghị Hành, Kí hiệu học – nguyên lí và vấn đề, Nhà xuất bản Đại học Nam Kinh, 2011

 

(*)Tiến sĩ Văn học, Đại học Sư phạm Hà Nội

 

[1] Triệu Nghị Hành, Kí hiệu học – nguyên lí và vấn đề, Nhà xuất bản Đại học Nam Kinh, 2011, tr3

[2] Hàn Quế Linh, Nghiên cứu thân thể sáng tạo học của Gilles Deleuze. Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Nam Kinh, 2011, tr3

Bình luận về bài viết này