NHÀ VĂN DIÊM LIÊN KHOA: “TÔI KHÔNG MUỐN BỊ GIẢN ĐƠN HOÁ”

 

Hồng Diệu thực hiện

Minh Thương dịch

  1. Tôi được biết sắp tới tiểu thuyết “Đinh trang mộng” của ông sẽ ra mắt độc giả Việt Nam, ông có thể tiết lộ đôi điều về cuốn tiểu thuyết lớn này?  Ông tiên đoán thế nào về sự đón nhận của độc giả Việt với cuốn tiểu thuyết sắp ra mắt của mình?

Về tiểu thuyết “Đinh trang mộng”, tôi có chút không muốn nhớ lại quá khứ tôi đã từng liên tục đến thôn bệnh AIDS. Đó là trải nghiệm đau khổ nhất trong cuộc đời tôi. Là địa ngục trần gian đáng sợ nhất mà tôi từng trải nghiệm. Cho nên, những trải nghiệm khi sáng tác tiểu thuyết “Đinh trang mộng” này cũng đồng thời là trải nghiệm đau khổ nhất của tâm hồn và trái tim tôi, thậm chí sau khi viết xong tiểu thuyết, tôi cảm thấy cuộc sống hư vô đến mức không thể tưởng tượng, và đã từng có ý nghĩ tự sát. Thật may mắn là tôi đã không đi đến bước này. Vô cùng cảm ơn tình yêu của văn chương và gia đình đối với tôi, khiến cho tôi có thể bước qua khoảng thời gian đen tối đó. Vô cùng cảm ơn câu hỏi của bạn, nhưng cho phép tôi ít nói về vấn đề này một chút. Điều tôi muốn nói hơn là, trong tiểu thuyết “Đinh trang mộng”, tôi cố gắng hết sức để không mang đến cho độc giả sự đen tối, khốn khổ và đau đớn một cách thiếu thận trọng, những đen tối, khốn khổ và đau đớn đó phần lớn tôi giữ lại cho riêng tôi, còn trong cuốn tiểu thuyết này, tôi cố gắng hết sức trong khả năng có thể để mang đến cho độc giả tình yêu, sự tôn trọng và ý thơ đối với cuộc sống. Tôi cố gắng hết sức để làm cho tình yêu bắt nguồn từ cuộc sống và lòng tự trọng của con người vượt lên trên nỗi thống khổ của mỗi cá nhân và nhân loại. Có lẽ chính vì thế mà cuốn tiểu thuyết này được đón đọc nhiều nhất, được độc giả yêu thích nhất khi được dịch ra hơn 20 thứ tiếng trên thế giới. Tôi không thể dự đoán thái độ và tình cảm của độc giả Việt Nam với bộ tiểu thuyết này, nhưng tôi rất chờ đợi và hi vọng điều đó, bởi dù sao trong quan hệ Trung Việt, trên lĩnh vực văn hoá có nhiều hơn những điểm tương đồng, dễ dàng hơn trong việc hiểu và lí giải sáng tác của đối phương. Cũng vì vậy, tôi tràn đầy lòng cảm kích với những người bạn đồng nghiệp là dịch giả tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thương và công ty xuất bản Sách Tao Đàn.

 

  1. Ở Việt Nam, ngoài nhà văn Bảo Ninh với tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”, ông còn dành sự quan tâm đến tác giả nào, tác phẩm nào? Theo ông, với những tiểu thuyết viết về chiến tranh hiện nay, văn học Trung Quốc và Việt Nam có những điểm tương đồng và khác biệt nào?

Về văn học đương đại Việt Nam, tôi quen thuộc và yêu thích nhất vẫn là “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, nó là một bộ kiệt tác của văn học chiến tranh vốn có những hạn chế nhất định của châu Á chúng ta. Tôi tôn trọng Bảo Ninh, tôn trọng tất cả những đồng nghiệp Việt Nam có tình yêu và sự hiểu biết với văn học, nhưng sự thiếu hụt trong dịch thuật đã ngăn trở việc đọc và giao lưu của chúng ta, cũng vì vậy, tôi tôn trọng tất cả các dịch giả trên thế giới, có lúc còn vượt qua sự sáng tác của các đồng nghiệp.

Về văn học chiến tranh của hai nước Trung Việt, trong sự đọc hạn chế của tôi, tôi nghĩ tác phẩm của nhà văn Việt Nam có thể tiếp cận gần hơn với một loại chân thực nào đó và nội tâm con người, nó tôn trọng con người hơn chứ không phải là tôn trọng anh hùng và chiến tranh. Nói cách khác, trong những tiểu thuyết như “Nỗi buồn chiến tranh”, tôi có thể đọc ra tiếng rên rỉ và gào thét vọng ra từ linh hồn của nhà văn khi anh đối diện với chiến tranh, nhưng trong văn học quân sự, văn học chiến tranh của Trung Quốc, tiếng rên rỉ này sẽ không tự do, không mạnh mẽ như vậy.

 

  1. Báo chí Việt Nam có một số bài viết về ông, trong đó đưa ra một số nhận định, thí dụ: “là người mang số phận phải cảm nhận bóng tối”; là người giải thiêng về hình ảnh người lính truyền thống v.v.. Độc giả Việt trong đó có tôi rất muốn được ngắm bức chân dung do ông tự họa?

Bức chân dung tự họa của tôi thì rất giản đơn: Trước văn học và thế giới, tôi là một người cầm bút yếu đuối nhưng không chấp nhận sự yếu đuối.

 

  1. Ông từng đưa ra nhận định: Sách cấm không đồng nghĩa sách hay. Tôi hoàn toàn đồng ý song thực tế không thể phủ nhận: Sách cấm như một ma lực với độc giả. Ông nghĩ gì, nếu chiến lược quảng cáo sách của Diêm Liên Khoa tới đây tại Việt Nam sẽ giới thiệu anh bằng câu: Đây là nhà văn có nhiều sách cấm nhất Trung Quốc?

Tôi không hi vọng truyền thông Việt Nam sẽ giới thiệu tôi là “nhà văn Trung Quốc có nhiều sách cấm nhất”, “nhà văn Trung Quốc gây nhiều tranh luận nhất”, cho dù đây là một sự thực. Tôi cảm thấy như vậy sẽ là một sự định hướng sai lầm đối với độc giả, sẽ làm cho một nhà văn phong phú bị giản đơn hoá, kí hiệu hoá. Tôi hi vọng độc giả Việt Nam có thể trở về với chính bản thân nghệ thuật, chứ không dừng lại trước cửa “sách cấm” này. Về “Đinh trang mộng”, tuy nó là một bộ sách cấm, nhưng tôi tin rằng sự tôn trọng con người và tôn trọng sự sống trong tiểu thuyết là điều căn bản làm xúc động trái tim độc giả.

 

  1. Văn chương đã mang lại cho ông những gì và lấy đi của ông những gì? Với những bạn trẻ mong muốn trở thành nhà văn, ông có lời khuyên nào cho họ?

Văn chương đem đến cho tôi tất cả mọi điều trong cuộc sống, trong cuộc đời tôi, không có sự kiện lớn nào không liên quan đến văn chương, từ nông thôn chuyển ra thành thị, từ một nông dân đến nay trở thành người có chút “máu mặt”, kết hôn, được đề bạt trong quân đội, rồi lại bị đuổi ra khỏi quân đội khi đang còn sung sức, thậm chí đến hôm nay trở thành nhà văn có chút tiếng tăm và nhận được nhiều tranh luận nhất ở Trung Quốc, cũng có thể nói là trở thành người được hoan nghênh và không được hoan nghênh, đều đến từ văn học, đều do văn học mà thành. Tôi muốn nói một câu có lẽ hơi quá một chút, ở Trung Quốc, tôi cần văn học, nhưng có lẽ ít nhiều văn học cũng cần có tôi. Hơn nữa, tôi luôn cho rằng, “tôi sinh ra là để làm một người cảm nhận bóng tối”, cũng là một người viết lách được lựa chọn để trở thành nhà văn ở một nơi nào đó trên đất nước Trung Quốc.

Tôi chấp nhận bất cứ trở ngại và vận mệnh nào mà văn học đem đến cho tôi, cũng cảm ơn từng chút vinh dự và cơ hội mà văn học đem đến cho tôi. Tôi luôn cho rằng, mình là đứa con của Hán ngữ, đứa con của văn học, đứa con của quê hương. Hôm nay, trong các loại cơ hội và thất bại, tôi kêu gào nhiều nhất một câu khẩn thiết thế này: “Thượng đế ơi, ông đã đặt cây bút vào trong tay tôi, vậy thì hãy thu hồi cây bút trong tay tôi muộn một chút, muộn hơn chút nữa!”

  1. Nhiều nhà văn Việt Nam nói rằng: Cuốn sách ưng ý nhất của họ là cuốn sách chưa viết. Còn ông? Một số nhà văn Việt cũng có quan điểm, theo cá nhân tôi là khá ích kỷ: Viết văn trước hết để… cho mình. Ông có nghĩ vậy? Ở Việt Nam, có nhiều nhà văn nổi tiếng chia sẻ, không thể sống được bằng nghề viết. Ở Trung Quốc có tình trạng như vậy không? Với cá nhân ông thì thế nào?

Rất xin lỗi, ở điểm này, quan điểm sáng tác của tôi cũng giống với rất nhiều nhà văn khác. Mục đích sáng tác trực tiếp nhất của tôi không phải là cho người khác, mà là cho nội tâm tôi. Nếu như nói cho độc giả, cũng là cho một bộ phận độc giả có sự đồng điệu với tâm hồn tôi. Tôi tin rằng một tác phẩm hay, một nhà văn giỏi, trong quá trình sinh thành và quá trình viết, không nên nghĩ đến chuyện nó được độc giả nào tiếp nhận, cái nên nghĩ hoặc có thể nghĩ là mình muốn cự tuyệt sự tiếp nhận của những độc giả nào.

Về vấn đề nhà văn có thể dựa vào sáng tác để sống không, nhà văn trên thế giới căn bản giống nhau, ở mỗi quốc gia có chế độ và ngôn ngữ khác nhau, nhà văn có thể sống tốt nhờ sáng tác cực hiếm, Trung Quốc cũng như vậy. Nhưng cũng may là nhân khẩu Trung Quốc quá nhiều, các nhóm độc giả đều khá lớn, vẫn còn có những nhà văn có thể sống dựa vào sáng tác, cho dù là các nhà văn “thuần văn học” mà chúng ta thường nói. Ví dụ như Dư Hoa, Mạc Ngôn, Giả Bình Ao của Trung Quốc,… Còn cá nhân tôi, ngoài sáng tác, tôi còn có công việc dạy học ở Đại học Nhân dân Trung Quốc, Đại học Khoa kĩ Hongkong, cuộc sống không hề tệ. Có hai phần thu nhập này, tôi hoàn toàn có thể yên tâm chuyên tâm vào công việc sáng tác.

 

  1. Ông có thể chia sẻ một chút về quan điểm sáng tác, triết lí sáng tác của mình? Tác phẩm nào của văn học thế giới và Trung Quốc có ảnh hưởng đến sự nghiệp sáng tác của ông?

Quan điểm văn học là vấn đề rất lớn, rất khó có thể nói rõ ràng, có lẽ tôi nên nói đơn giản một chút quan điểm về chân thực của tôi. Tôi chú trọng loại “chân thực không nhìn thấy, loại chân thực bị chân thực che phủ và loại chân thực sẽ không xảy ra” trong văn học. Dựa trên quan điểm về chân thực như vậy, tôi đã đề xuất khái niệm “chủ nghĩa thần thực” trong cuốn sách lí luận “Phát hiện tiểu thuyết” của tôi. Khái niệm này trong “Đinh trang mộng” vẫn chưa thực sự rõ ràng, nhưng tôi nghĩ trong những tác phẩm viết sau của tôi, có lẽ độc giả Việt Nam sẽ đọc được và hiểu rõ hơn về cách nói này. Đương nhiên, tôi cũng hi vọng có một ngày mọi người có thể đọc “Phát hiện tiểu thuyết”, tôi cho rằng cuốn sách nhỏ này còn quan trọng hơn một cuốn tiểu thuyết của tôi.

Còn về nhà văn nào có ảnh hưởng nhất với tôi, thì có cả một danh sách quá dài, quả thực là không thể viết ra tên của từng vị từng vị một. Bởi vì tôi là một độc giả cực kì “có mới nới cũ”, cứ cách vài năm, một thần tượng văn học trong lòng tôi sẽ bị thay thế. Những nhà văn lớn mà mọi người quen thuộc của thế kỉ 18, 19, 20 tôi đều từng yêu thích và “vứt bỏ”, còn hiện nay, nhà văn tôi yêu thích nhất có lẽ là nhà văn Ba Lan Bruno Schulz, không biết Việt Nam đã dịch tác phẩm của ông chưa.

Đồng thời, tôi cũng đang đọc tác phẩm của hai nhà văn Ba Lan khác là Shawomir Mrozek và Olga Tokarczuk, cũng khá thích. Nhận thức lại về văn học Đông Âu, có thể coi là nhiệm vụ đọc trước mắt của tôi.

  1. Ngoài văn chương, ông còn quan tâm tới môn nghệ thuật nào không? Hiện ông đang sống ở thành phố nào? Ông có thể chia sẻ với độc giả Việt Nam nhịp sống thường ngày của ông?

Ngoài văn học, tôi quan tâm hơn cả đến thần thoại và truyện dân gian của các dân tộc, các quốc gia trên thế giới. Tôi gần như mê đắm thần thoại và truyện dân gian. Tôi sống ở thành phố to lớn, rắc rối và vô nghĩa Bắc Kinh, nhưng mỗi năm đều có một học kì dạy học ở Hongkong, điều này làm tôi có cơ hội thoát khỏi Bắc Kinh và nhận thức lại về Trung Quốc. Nhịp sống hàng ngày của tôi là: buổi sáng sau khi ngủ dậy, trước 8 giờ nhất định phải ngồi viết khoảng 2 giờ trong thư phòng, sau khi viết xong 2000 chữ, rời thư phòng đi xem bóng rổ NBA của Mỹ. Buổi chiều là thời gian tôi đi gặp bạn bè, khách khứa và xử lí công việc, buổi tối khoảng 10 giờ thì lên giường đi ngủ. Đi công tác xa là khoảng thời gian đọc sách tốt nhất của tôi.

Tôi là một người cuộc sống cực kì vô vị, và lại sống có quy luật quá mức, đây là điều tốt trong cuộc sống, cũng là điều không tốt của nhân sinh.

Ý kiến đánh giá của dịch giả Nhật Bản Tsuyoshi Tanikawa về tác phẩm của Diêm Liên Khoa

“Sức hấp dẫn của tác phẩm Diêm Liên Khoa, theo tôi có thể khái quát thành: sự tưởng tượng văn học đặc biệt, khả năng hư cấu siêu phàm, tình cảm nhân đạo chủ nghĩa quảng đại vô biên, danh dự của con người và tính hương thổ. Trong các diễn giảng và tuỳ bút, Diêm Liên Khoa thường nói đến danh dự của con người. Nhiều nhân vật trong tác phẩm của Diêm Liên Khoa sống rất có danh dự, thái độ sống kiên trì và bền bỉ của họ làm cho độc giả cảm thấy ấm áp và tác phẩm của ông đem đến cho độc giả sự an ủi khó có thể biểu đạt thành lời”.

 

 

Bình luận về bài viết này